Subscribe:

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Vitamin là gì?

Vitamin là gì?

Người ta có thói quen nghĩ rằng vitamin là loại thuốc bổ giúp khoẻ mạnh hoặc chống mệt mỏi. Do đó có phải vitamin đóng vai trò kích thích các cơ quan không? Không hẳn thế. Thực sự thì đặc điểm hàng đầu của vitamin là cần thiết cho cuộc sống, do chúng tham gia vào các phản ứng sinh học.
Vitamin không được sản xuất bởi cơ thể con người, nó phải lệ thuộc vào nguồn bên ngoài đưa vào (trừ một số vitamin như vitamin D, PP). Các vitamin có nguồn gốc từ động vật cũng như thực vật. Cơ thể chúng ta cũng chỉ cần chúng một lượng nhỏ và rất có hiệu lực. Vitamin rất dễ bị phá huỷ, chẳng hạn Vitamin B1, vitamin C dễ bị huỷ lúc nấu nướng.

Từ vitamin xuất phát từ đâu?
Năm 1910, một nhà sinh hoá người Mỹ, Casimir Funk đã sáng tạo ra từ “vitamin” vì nó là một chất thuộc nhóm amin và cần thiết cho sự sống (vital). Vital+amin =vitamin
Về sau có một số chất không thuộc nhóm amin nhưng cũng cần thiết cho sự sống.
Vitamin đầu tiên được phát hiện vào năm 1910, và vitamin cuối cùng được phát hiện cách đây 50 năm. Tuy nhiên người ta cũng chưa hiểu hết về chúng.
 
Có mấy loại vitamin ?
Hiện có các loại vitamin sau : vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, vitamin E, vitamin H, vitamin K. Trong nhóm vitamin B chia ra nhiều loại như :B1, B2, B3, B4, B5, B6, B7, B8, B9, B10, B11, B12.
Theo chuyên môn người ta chia vitamin ra làm 2 nhóm: loại tan trong mỡ gồm vitamin A, D, E, K. Loại tan trong nước gồm vitamin nhóm B, vitamine C.
Mỗi loại có chức năng khác nhau, chúng tôi sẽ trình bày lần lượt từng loại theo cách sau:
  • Nguồn gốc?
  • Ðặc điểm?
  • Vai trò vitamin (chẳng hạn vitamin A)?
  • Nhu cầu hàng ngày trong trường hợp bình thường & khi có bệnh?
  • Nguồn cung cấp vitamin (ăn thức ăn nào?)
  • Khi thiếu vitamin sẽ mắc bệnh gì?
  • Cách dùng vitamin như thế nào là hợp lý?
  • Nếu lỡ dùng nhiều vitamin có sao không?
Có 6 bệnh thường gặp do thiếu vitamin gây ra:
Bệnh
Thiếu vitamine
Rối loạn chính
BÉRIBÉRI
SCORBUT
PELLAGRE
Thiếu máu
Bệnh khô mắt
Bệnh còi xương
Vitamin B1
Vitamin C
Vtamin PP
Vitamin B12
Vitamin A
Vitamin D
Gây liệt, suy tim
Gây chảy máu
Gây rối loạn ở da và tâm thần
Xanh xao,yếu đầu chi, viêm lưỡi
Biến dạng xương
Ðặc điểm chung của các vitamin là gì?
Mặc dù có cấu trúc hoá học, vai trò và tác dụng khác nhau, nhưng tất cả các vitamin đều có chung các đặc tính :
  1. Không cung cấp năng lượng: tức calo=0
  2. Hoạt động với số lượng rất nhỏ : tuỳ theo từng loại vitamin mà lượng cần hàng ngày thay đổi từ vài microgam (vitamine B12) đến vài chục miligram (vitamine C).
  3. Ða phần cơ thể không tổng hợp được: phải nhập từ thức ăn bên ngoài đem vào.
  4. Không thể thay thế lẫn nhau: tức là khi thiếu vitamin này không thể đem vitamin khác thế được.
  5. Cần thiết cho hoạt động và phát triển của cơ thể.
Vitamin đóng vai trò là chất xúc tác, nhờ đó thức ăn được đồng hoá và biến đổi của tổ chức (tế bào). Vitamin tạo thuận lợi cho việc sản xuất và sử dụng năng lượng. Ngoài ra vitamin còn bảo vệ tế bào khỏi bị tấn công, nhờ đặc tính chống lại quá trình oxi hoá và tham gia vào việc chống nhiễm trùng, khử độc và sửa chữa các cấu trúc bị hư.
Thiếu vitamin sẽ gây ra những rối loạn cho cơ thể.
Những đối tượng nào dễ bị thiếu vitamin ?
Những đối tượng sau đây dễ bị thiếu vitamin:
  • Trẻ sinh non
  • Trẻ em
  • Người chơi thể thao
  • Phụ nữ có thai, nhất là khi bị nghén
  • Phụ nữ sau khi sanh
  • Phụ nữ cho con bú
  • Người ăn kiêng
  • Người già
  • Người bị bệnh mãn tính, đặc biệt là bệnh lý đường tiêu hoá như : tiêu chảy, đau bao tử
  • Người đang thời kỳ dưỡng bệnh
  • Nghiện thuốc lá, nghiện rượu
  • Người làm việc trong môi trường ô nhiễm, căng thẳng.
Làm sao biết bị thiếu vitamin?
Thiếu vitamin được phát hiện nhờ vào các triệu chứng và dấu hiệu sinh học (đo lượng vitamin trong máu).
Các triệu chứng có thể có của thiếu vitamin:
  • Dị ứng với ánh nắng mặt trời
  • Thay đổi ở da: khô da, mất độ sáng của da, mất tính mềm mại
  • Những thay đổi của lưỡi
  • Những thay đổi của móng tay, chân như móng mất bóng, có sọc, dễ gãy
  • Thay đổi khẩu vị như ăn không ngon hoặc tăng sự ngon miệng
  • Giảm độ nhạy cảm của cơ thể
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Giảm vui vẻ, dễ bị kích thích, nóng nãy
  • Giảm thể lực, giảm khả năng gắng sức
  • Giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ
  • Dễ bị bầm máu
  • Ðọc sách, nhìn mau mỏi mắt
  • Tê cóng, chuột rút
  • Vô sinh
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Rối loạn nhịp tim
  • Chậm mọc lông, dễ rụng tóc
  • Chậm liền sẹo
  • Dễ bị stress
  • Dễ bị nhiễm trùng.
 
BS..PHÙNG HOÀNG ĐẠO (Theo Encyclopédie Médicale)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét